Đầy tháng bé trai, bé gái cúng gà hay vịt

Mâm cúng đầy tháng cho bé theo truyền thống như thế nào? Nên cúng gà hay vịt?

Mâm cúng đầy tháng vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình. Do đó, cần chuẩn bị những gì cho mâm cúng, nên cúng gà hay cúng vịt để phù hợp với phong tục truyền thống là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các gia đình trẻ hiện nay.

Cúng đầy tháng được xem là một nghi thức đặc biệt quan trọng, qua đó đánh dấu mốc khởi đầu cuộc đời mỗi đứa trẻ. Chính vì thế, các bậc làm cha làm mẹ luôn muốn chuẩn bị cho lễ cúng đầy tháng của con một cách đầy đủ, tươm tất và phù hợp với phong tục truyền thống nhất. Dẫu vậy, do thông tin không đầy đủ, rất nhiều gia đình không biết nên chuẩn bị mâm cúng như thế nào, nên cúng gà hay vịt, số lượng lễ vật ra sao cho hợp lý. Với mong muốn cung cấp thông tin hữu ích đến bạn đọc, hãy cùng Đồ Cúng Việt Nam chia sẻ chi tiết về lễ cúng đầy tháng trong bài viết dưới đây.

Lễ cúng đầy tháng là gì?

Cúng đầy tháng, hay còn được biết đến với cái tên là cúng mụ. Đây là một lễ cúng được thực hiện khi bé tròn 1 tháng tuổi và được xem là một trong ba lễ cúng quan trọng nhất, gồm đầy cữ, đầy tháng và thôi nôi. Thông qua lễ cúng này, các bậc làm cha làm mẹ muốn báo cáo với tổ tiên về sự ra đời của trẻ, đồng thời thể hiện sự tạ ơn đối với công lao của 12 bà mụ, bà chúa và đức ông trong việc tạo nên hình hài và ban sự sống cho đứa trẻ. Quan niệm về các bà mụ xuất phát từ truyền thống thờ Mẫu của Việt Nam, theo đó từng bà mụ có trách nhiệm nặn ra các bộ phận trên cơ thể con người, đồng thời các bà cũng phụ trách quá trình sinh nở, giúp cho mẹ tròn con vuông. Không những vậy, theo quan điểm dân gian, trong quá trình lớn lên, nhờ có sự che chở của các bà mụ, các bé mới có thể thích nghi với môi trường sống bên ngoài để bình an trưởng thành. Do vậy, thông qua lễ cúng đầy tháng, gia đình cũng cầu xin các bà tiếp tục phù hộ độ trì cho bé trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.

Thời điểm cúng đầy tháng cho bé trai, bé gái

Cũng giống như nhiều lễ cúng tâm linh khác của người dân Việt Nam, lễ cúng đầy tháng cho bé được tính theo ngày âm. Tức là lễ cúng được thực hiện vào đúng một tháng sau khi ra đời, theo âm lịch. Chẳng hạn như bé sinh ngày 22.05 âm lịch thì lễ cúng được làm vào ngày 22.06 âm lịch. Đây là cách tính đơn giản nhất, vô cùng dễ nhớ, được khá nhiều vùng miền áp dụng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của một số địa phương, cách tính lễ cúng đầy tháng dựa trên nguyên tắc nam trồi 2, nữ sụt 1. Lý giải cho nguyên tắc này, người dân quan niệm rằng, con trai là trụ cột gia đình, phải đi trước đón đầu, mạnh mẽ tiến về phía trước mới có nhiều cơ hội thành công. Trong khi đó, con gái là hậu phương vững chắc, phải biết nhường nhịn, tiết kiệm thì gia đình mới có thể hạnh phúc. Nếu tính theo nguyên tắc này, đầy tháng bé trai sẽ được thực hiện muộn hơn 2 ngày còn đối với bé gái là sớm hơn 1 ngày so với ngày sinh. Giả sử, nếu bé sinh ngày 22.5 âm lịch thì bé trai sẽ tổ chức ngày 24.6 và bé gái tổ chức ngày 21.6. Với sự khác biệt về cách tính ngày làm lễ đầy tháng của từng địa phương, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của những người lớn tuổi trong vùng để có thêm cơ sở đưa ra lựa chọn hợp lý.

Sau khi chọn được ngày để làm lễ cúng đầy tháng, tiếp đến gia đình nên xem xét đến giờ làm lễ cúng. Bởi theo quan niệm phong thủy, mỗi bé sinh ra đều ứng với một con giáp. Nếu chọn được giờ cúng phù hợp với con giáp đó sẽ mang lại nhiều may mắn, tốt lành cho trẻ. Giả sử bé sinh vào năm Sửu thì nên cúng vào giờ Tý, bởi Sửu là thổ âm, Tý là thủy âm,  yếu tố này kết hợp được với nhau sẽ dễ dàng thành công. Để được tư vấn chính xác, gia đình nên tìm đến một thầy phong thủy để chọn ra một giờ cúng phù hợp với tuổi của trẻ.

Mâm cúng đầy tháng bé trai bé gái gồm những gì? Nên cúng gà hay cúng vịt?

Vì là lễ cúng quan trọng nên lễ cúng đầy tháng cần phải chuẩn bị lễ vật vô cùng tươm tất. Cũng giống như nhiều lễ cúng tâm linh khác, mâm cúng đầy tháng cúng bao gồm mâm cúng mặn và đồ cúng chay.

Đối với đồ cùng chay, tùy từng vùng miền sẽ có sự chuẩn bị khác nhau. Cha mẹ có thể tham khảo những lễ vật phổ biến dưới đây:

  • – Hoa tươi: Nên chọn loại hoa có màu sắc tươi sáng, có mùi thơm, mang ý nghĩa tốt lành. Chẳng hạn như hoa cát tường, hoa đồng tiền, hoa ly ly,…
  • – Quả: Gồm 5 loại quả khác nhau, màu sắc bắt mắt, mang yếu tố vùng miền. Nên chọn những loại quả có kích thước vừa phải để bày biện lên đĩa được dễ dàng hơn.
  • – Nhang, đèn: Đây là hai lễ vật vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong nghi lễ tâm linh của người Việt. Nếu không có đèn, có thể thay thế bằng nến.
  • – Trầu cau: Nên chuẩn bị 13 phần, trong đó có 12 phần dành cho bà mụ, 1 phần dành cho đức ông. Gia đình nên sử dụng trầu cau têm cánh phượng để thể hiện lòng thành kính. 
  • – Rượu, nước, chè: Tùy tâm của gia đình
  • – Giấy tiền, vàng mã: Nên chọn loại được dùng cho lễ cúng đầy tháng.
  • – Gạo, muối sạch: 1 đĩa
  • – Bánh kẹo: Tùy tâm gia đình

Đối với mâm cúng đồ mặn, mỗi địa phương đều có những cách chuẩn bị khác nhau. Tuy nhiên, dù có sự khác biệt, mâm cúng vẫn bao gồm những lễ vật chủ yếu gồm:

– Xôi chè: Đây là lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng đầy tháng. Theo quan niệm dân gian, đối với bé trai nên chọn xôi đỗ ba tầng và chè đậu đỏ, đậu trắng; còn đối với bé gái nên chọn xôi gấc và chè trôi nước. Sở dĩ có sự khác biệt này bởi dân gian quan niệm con trai gắn liền với thi cử học hành, nên sử dụng các loại đậu để nấu chè, xôi cúng mụ ngụ ý cầu mong về tương lai học hành tấn tới. Còn bé gái sử dụng chè trôi nước với mong ước về sự trôi chảy, tròn đầy về tình duyên sau này. Gia đình cần phải chuẩn bị 13 phần xôi chè, trong đó 12 phần nhỏ cho bà mụ và 1 phần lớn cho đức ông.

– Bộ tam sên: gồm trứng luộc, tôm luộc và thịt luộc, mỗi loại chuẩn bị 12 phần.

– Gà/vịt luộc: Tùy theo quan niệm của từng địa phương mà có thể sử dụng gà luộc hoặc vịt luộc. Cụ thể, theo quan niệm của miền Bắc, trong mâm cúng mặn bắt buộc phải dùng gà trống, không được dùng vịt vì tượng trưng cho xui xẻo. Ở miền Trung, cũng dùng gà luộc, tuy nhiên có thể dùng cả gà trống và gà mái để cúng. Còn đối với miền Nam, có thể sử dụng vịt để thay cho gà, tùy theo từng gia đình. Nhiều nơi còn quan niệm sẽ dùng gà trống để cúng trong lễ đầy tháng của bé trai và dùng vịt trong lễ cho bé gái. Chính bởi vậy, có thể nói rằng cúng gà hay cúng vịt đều được, phụ thuộc vào văn hóa địa phương nơi bé sinh sống.

– Heo quay: 1 đĩa hoặc 1 con, tùy theo điều kiện gia đình

– Chén, đũa, thìa: 13 phần. Trong đó nên chuẩn bị đũa hoa – loại đũa được vót ngược đầu và có hoa ở bên trên bởi theo quan niệm dân gian, bà mụ rất thích dùng loại đũa này.

Bên cạnh mâm cúng cho bà mụ và đức ông, gia đình cần chuẩn bị thêm mâm cúng gia tiên, thần tài thổ địa (nếu có). Những lễ vật chuẩn bị trong các mâm cúng này cũng khá đơn giản, chỉ cần bao gồm hoa quả bánh kẹo, chè thuốc, trầu cau, nhang đèn và tiền vàng.

Nếu gia đình tiến hành cúng đầy tháng cho bé sinh đôi, cần chuẩn bị gấp đôi lượng lễ vật. Nếu sinh đôi bé trai hoặc bé gái, các loại lễ vật sẽ là giống nhau. Nếu sinh đôi một trai một gái cần chuẩn bị xôi chè nấu từ đỗ cho bé trai và chè trôi nước cho bé gái. Giấy cúng cũng cần chuẩn bị riêng biệt 2 loại, đồng thời ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của từng bé để các bà mụ đức ông được thấy rõ.

Một vài lưu ý khi thực hiện lễ cúng đầy tháng cho các bé

Để lễ cúng diễn ra trọn vẹn, thể hiện lòng thành kính với các đấng linh thiêng, gia đình cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Khi bày biện lễ vật cúng, hãy sắp xếp các lễ vật một cách khoa học, đẹp mắt, có thể xếp đối xứng hoặc đan xen. Đối với hoa và quả, nên áp dụng quy tắc Đông bình Tây quả, theo đúng phong tục truyền thống.

– Khi bắt đầu lễ cúng, gia đình nên bế bé ra trước ban thờ, để các bà mụ có thể nhìn rõ và phù hộ độ trì cho con. Nghi lễ cúng diễn ra trang nghiêm, chủ lễ ăn mặc chỉnh tề, đọc văn khấn rõ ràng, mạch lạc. 

– Thực hiện nghi lễ cúng theo đúng quy trình, bắt đầu từ việc thắp nhang, khấn vái, cắm nhang, đợi nhang cháy hết rồi tiến hành tạ lễ và hóa vàng. Kết thúc nghi lễ, mọi người trong gia đình có thể cùng nhau quây quần bên bàn ăn để cùng chúc phúc cho trẻ thêm may mắn, khỏe mạnh.

Trên đây là những thông tin chi tiết về lễ cúng đầy tháng cho bé mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Hi vọng với những kiến thức này sẽ giúp bạn đọc có thêm căn cứ, cơ sở để chuẩn bị lễ cúng sao cho đầy đủ, long trọng. Nếu công việc của bạn quá bận rộn, không thể chuẩn bị chi tiết, đừng lo lắng, bạn có thể liên hệ với Đồ Cúng Việt Nam. Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ đem đến cho gia đình bạn một mâm cúng đầy tháng đầy đủ, phù hợp với yêu cầu, phong tục văn hóa và điều kiện của gia đình. Khi xác định được ngày làm lễ, bạn chỉ cần liên hệ cho chúng tôi trước 3-5 ngày, chúng tôi sẽ tư vấn, chọn lễ vật và đem đến tận nhà theo yêu cầu mà hoàn toàn đảm bảo được an toàn vệ sinh. Không mất nhiều công sức, thời gian chuẩn bị mà vẫn tổ chức lễ cúng đầy tháng long trọng, đầy đủ cho con, đó là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến. Để được biết thêm nhiều thông tin chi tiết khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với Đồ Cúng Việt Nam, chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc có liên quan đến lễ cúng đầy tháng của khách hàng.

Bài viết liên quan